CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ÁP XE VÀ RÒ HẬU MÔN

CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ ÁP XE VÀ RÒ HẬU MÔN

 

Bs CKII Nguyễn Văn Thưởng – Khoa Ngoại – Hậu môn trực tràng – Bệnh viện đa khoa Tràng An Hà Nội

MỞ ĐẦU      

Rò hậu môn (RHM) là những nhiễm khuẩn khu trú tại hốc hậu môn trực tràng. Những nhiễm khuẩn này dẫn tới tụ mủ, mủ lan theo tuyến Hermann- Defosse tạo thành ổ áp xe giữa cơ thắt trong và cơ thắt ngoài, từ đây ở áp xe lan rộng ra các vùng giải phẫu lân cận gây nên các thể rò khác nhau.

Áp xe và rò là 2 giai đoạn của một quá trình bệnh lý. Nếu áp xe không được xử lý hoặc xử lý không tốt sẽ dẫn tới rò.

Áp xe và rò trên đây có một quá trình bệnh lý khác hẳn với áp xe và rò do các nguyên nhân khác: viêm mủ da, viêm xoang lông, ung thư, bệnh Crohn, lao, HIV...

 

MỘT SỐ DANH TỪ GIẢI PHẪU LIÊN QUAN MẬT THIẾT TỚI VẤN ĐỀ CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ RHM CẦN NẮM VỮNG

- Hốc hậu môn

- Đường lược

- Tuyến Hermann- Defosse

- Hệ thống cơ thắt hậu môn: cơ thắt trong, cơ thắt ngoài, cơ dọc dài phức hợp và dây chằng Parks

- ống hậu môn, vi thể biểu mô trên đường lược và dưới đường lược

- Các khoang quanh trực tràng: khoang chậu-trực tràng, khoang ngồi trực tràng, khoang Courteney

 

CHẨN ĐOÁN RÒ HẬU MÔN

1.     Chẩn đoán lâm sàng

          - Giai đoạn áp xe: bệnh nhân có đau, sốt, khối xưng nóng đỏ đau cạnh hậu môn, có khi tự vỡ mủ. Thăm trực tràng cơ thắt có thể nhão. Bộc lộ các hốc hậu môn, dùng ngón tay ấn vào vùng xưng nóng đỏ cạnh hậu môn thấy mủ trào ra ở một trong các hốc hậu môn (lỗ nguyên phát).

          - Giai đoạn rò: lỗ ngoài (lỗ thứ phát) chảy dịch từng đợt, hiếm khi có hơi xì qua lỗ ngoài. Thăm trực tràng thường thấy đường xơ chạy từ lỗ ngoài hướng về một hốc hậu môn. Hốc hậu môn đó thường là lỗ nguyên phát. Có thể dựa vào định luật Goodsall để tìm lỗ nguyên phát. Nội dung định luật này rất dễ nhớ: kẻ đường qua 3h và 9h tạo 2 nửa trên và dưới. Lỗ rò ngoài nửa trên thường thẳng góc với lỗ nguyên phát ở hốc hậu môn. Ví dụ: lỗ ngoài ở vị trí 10h, 11h, 12h, 1h, 2h thì có lỗ trong tương ứng ở hốc hậu môn  10h, 11h, 12h, 1h, 2h. Lỗ rò ngoài ở nửa dưới thì thường có lỗ nguyên phát ở hốc hậu môn 6h. Định luật này đúng với 92 đến 96% các trường hợp. Khi thăm khám hậu môn trực tràng có thể bơm hơi qua lỗ rò ngoài thấy hơi xì qua hốc hậu môn, đấy chính là lỗ nguyên phát.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

        Đối với đường rò phức tạp (đường rò có nhiều ngóc ngách phức tạp) thì các phương pháp chẩn đoán sau có thể được chỉ định nếu tại cơ sở có trang thiết bị:

- X-quang đường rò: bơm thuốc cản quang vào lổ trong, chụp nhiều tư thế (trước sau, nghiêng, chéo): đánh giá đường rò có thông vào ống hậu môn không. Đường rò đơn giản hay phức tạp. Chụp X-quang đường rò cần thiết trong trường hợp rò hậu môn điều trị phẫu thuật nhưng không khỏi. Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là không đánh giá được hệ thống cơ thắt, cơ nâng hậu môn, khó xác định được lỗ trong do thường bị xơ chit hẹp đường rò. Kèm theo bệnh nhân nên được chụp X-quang phổi hệ thống để loại trừ bệnh lao phổi.

- Tại các trung tâm phẫu thuật lớn (Bệnh viện Việt Đức; bệnh viên Y Dược thành phố Hồ Chí Minh…) có thể áp dụng thêm các phương pháp hỗ trợ sau:

. Siêu âm qua đường hậu môn-trực tràng: được chỉ định khi không tìm thấy lổ trong hay nghi ngờ đường rò đi cao (trên cơ thắt, ngoài cơ thắt). Việc bơm oxy già vào lổ ngoài sẽ làm tăng độ nhạy của chẩn đoán. Phương pháp này đánh giá tốt hệ thống cơ thắt, vị trí lỗ trong, mối liên quan giữa đường rò và cơ thắt ngoài. Mặc dù vậy, phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm bác sỹ thực hiện, không đánh giá được tổn thương trên mặt phẳng coronal và không giúp cho bác sỹ lâm sàng có cái nhìn tổng quát về đường rò. Ngoài ra, siêu âm nội soi qua đường trực tràng cũng hạn chế đánh giá cơ thắt ngoài trong một số trường hợp, không phân biệt tổn thương viêm hoặc xơ hóa cũng như không đánh giá được đường rò thứ phát hoặc ổ áp xe ở sâu.


. Chụp cộng hưởng từ: Được xem như là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán rò hậu môn và các biến chứng hiện nay trên thế giới. Cộng hưởng từ cho hình ảnh chi tiết về giải phẫu vùng hậu môn (hệ thống cơ thắt, cơ nâng...), đánh giá tổng quan giữa đường rò và cấu trúc lân cận, xác định lỗ trong và các tổn thương phối hợp.


Một số hình ảnh minh họa

 

3. Chẩn đoán phân biệt

- Rò do lao: loại rò này có đặc tính có nhiều lỗ ngoài gần hậu môn, kèm với mảng da xám xịt; bệnh nhân có tiền sử lao phổi hay lao nội tạng. Vì vậy, trước một bệnh nhân có RHM phải chụp phổi như một bilan thường quy và bắt buộc. Nếu có lao phổi, phải điều trị lao phổi trước. RHM nếu còn tồn tại sẽ được xử lý sau khi điều trị bệnh lao khỏi.

- Viêm nang lông: thường tổn thương rộng, lỗ ngoài có thể chảy mủ thường ở gần xương cùng cụt phía sau hậu môn, không có thông thương với hốc hậu môn.

- Rò do ung thư: rò cạnh hậu môn do ung thư ống hậu môn, trực tràng, tuyến tiền liệt hoặc từ các tạng trong ổ bụng... cần khai thác các dấu hiệu gầy sút, chán ăn, mệt mỏi, rối loạn đại tiểu tiện, đôi khi đi tiểu, đại tiện không tự chủ. Tại chỗ phải thăm trực tràng, âm đạo nếu là nữ. Cần thiết phải soi bàng quang, soi đại tràng ống mềm, chụp cắt lớp, xét nghiệm các chất chỉ điểm khối u....

- Rò trực tràng – âm đạo: thăm khám trực tràng và âm đạo xác định được lỗ rò. Có thể rò bẩm sinh hoặc mắc phải.

4. Chẩn đoán loại rò

          - Rò liên cơ thắt: ổ áp xe hoặc đường rò nằm giữa cơ thắt trong và cơ thắt ngoài. Lỗ thứ phát thường nằm sát rìa hậu môn. Một số trường hợp lỗ thứ phát đổ vào lòng trực tràng trên cao gây khó khăn cho chẩn đoán. Giai đoạn áp xe ở thể này có dấu hiệu rất đặc trưng: đau nhức hậu môn rất khó chịu, mất ngủ về đêm kèm theo sốt, khám ngoài hậu môn có khi không thấy gì đặc biệt. Thăm trực tràng cơ thắt có thể hơi giãn ấn thành trực tràng nơi có áp xe rất đau.

          - Rò xuyên cơ thắt: một số tác giả chia 3 mức độ:

                   . Rò xuyên cơ thắt thấp: loại này thường gặp.

                   . Rò xuyên cơ thắt phần trung gian.

                   . Rò xuyên cơ thắt cao.

          - Rò trên cơ thắt: ổ áp xe hoặc đường rò ở trên cơ thắt ngoài.

          - Rò ngoài cơ thắt: đây là loại rò do phẫu thuật viên gây nên. Loại rò này có đặc điểm mổ rất nhiều lần nhưng không khỏi, lỗ ngoài xa rìa hậu môn, xì hơi và phân từng đợt ở lỗ ngoài... Loại rò này điều trị phức tạp, cần phải lấy rò, khâu trực tràng và làm hậu môn nhân tạo bảo vệ...

5. Chẩn đoán các hình thái rò

          - Rò kép, rò tam: trên cùng một bệnh nhân, tại cùng một thời điểm tồn tại 2 hoặc 3 lỗ ngoài tương ứng với 2 hoặc 3 lỗ trong nguyên phát ở hốc hậu môn.

          - Rò móng ngựa: rò từ hốc hậu môn 6h (lỗ nguyên phát) tạo ổ áp xe hố ngồi 2 bên. 2 ổ áp xe thông nhau qua khoang trước xương cùng cụt. Loại rò này thường có đặc điểm: xảy ra ở các bệnh nhân phải mổ đi mổ lại nhiều lần, lỗ ngoài thường ở cách xa rìa hậu môn và thường ở vị trí 3h, 9h.

          - Rò phức tạp, nhiều ngóc ngách: áp xe hố ngồi lan lên khoang chậu trực tràng qua cơ nâng hậu môn, hoặc kết hợp với ổ áp xe liên cơ thắt lan lên trên cao trực tràng....

          - Rò ngoài cơ thắt: đây là loại rò do phẫu thuật viên gây nên. Loại rò này có đặc điểm mổ rất nhiều lần nhưng không khỏi, lỗ ngoài xa rìa hậu môn, xì hơi và phân từng đợt... Loại rò này điều trị phức tạp, cần phải lấy rò, khâu trực tràng và làm hậu môn nhân tạo bảo vệ...

6.  Chẩn đoán khả năng điều trị

Sau khi chẩn đoán xác định và chẩn đoán thể lâm sàng RHM cần tiên lượng phẫu thuật thực hiện 1 thì hay nhiều thì và kết quả điều trị: khả năng tái phát.

 

 

 

ĐIỀU TRỊ PHẪU THUẬT ÁP XE, RÒ HẬU MÔN

1.     Nguyên tắc phẫu thuật

- Nắm vững giải phẫu vùng hậu môn trực tràng và cơ chế bệnh sinh áp xe, rò hậu môn (RHM).

-  Nắm được phân loại rò và các thể rò để lên kế hoạch điều trị thích hợp.

2. Yêu cầu phẫu thuật

        - Tránh tái phát.

        - Tránh ỉa không tự chủ.

3. Các phương pháp phẫu thuật điều trị RHM

3.1. Rạch dẫn lưu áp xe cạnh hậu môn

3.1.1. Áp xe cạnh hậu môn

        Thì 1: thăm dò, mô tả thương tổn.

        - Xác định vùng sưng, nóng, đỏ về vị trí (bệnh nhân nằm tư thế phụ khoa, tính theo chiều kim đồng hồ), kích thước, tổn thương cách rìa hậu môn bao nhiêu cm.

        - Tình trạng da cạnh hậu môn, áp xe chưa vỡ mủ hay đã vỡ, có lỗ rò nào khác không?

        - Tình trạng cơ thắt hậu môn.

        - Tình trạng niêm mạc ống hậu môn trực tràng, bệnh phối hợp: polype, nứt kẽ, trĩ...

        - Tình trạng các hốc hậu môn: viêm đỏ, có mủ chảy?

        Thì 2: xác định  lỗ nguyên phát.

        - Thì này rất quan trọng: quyết định nên mở ngỏ cắt cơ thắt ngay lần mổ này hay để lại xử lý lần sau (khi đã hình thành đường rò). Bộc lộ rõ các hốc hậu môn, lau sạch các hốc hậu môn. Dùng tay ấn vào ổ áp xe (vùng xưng, nóng đỏ ở cạnh hậu môn) sẽ thấy mủ chảy ra ở một hốc hậu môn (ở nhiều trường hợp). Nơi mủ chảy ra ở hốc hậu môn chính là lỗ nguyên phát.

        Thì 3: rạch ổ áp xe và đánh giá loại rò.

        - Đường rạch đủ rộng để tháo mủ.

        - Đánh giá liên quan đường rò, ổ áp xe với hệ thống cơ thắt, nếu là rò xuyên cơ thắt phần thấp, ổ áp xe nhỏ, sát rìa hậu môn,  có thể cắt cơ thắt mở ngỏ ngay thì này.

        - Nhìn chung trong mổ cấp cứu, phẫu thuật viên không có kinh nghiệm, nhất là không xác định loại rò thì chỉ nên rạch tháo mủ và xử lý rò ở lần mổ tiếp theo.

        Thì 4: làm sạch ổ áp xe.

        - Rửa ổ áp xe nhiều lần nước muối sinh lý, hoặc nước ôxy già. Cắt lọc tổ chức hoại tử, cầm máu kỹ.

        Thì 5: kiểm tra lần cuối.

        - Để ngỏ hoàn toàn, không được khâu da dù có rạch rộng và làm sạch ổ áp xe. Không nên xử lý tổn thương phối hợp nếu có (như cắt da thừa, búi trĩ xa...) khi mổ áp xe cạnh hậu môn.

3.1.2. Áp xe liên cơ thắt lan lên trên cao thành trực tràng 

        Thì 1: thăm rò, mô tả thương tổn.

        - Thể áp xe này tương đối đặc biệt. Nhiều trường hợp nhìn ngoài hậu môn hoàn toàn bình thường. Không thấy sưng nóng đỏ cạnh hậu môn. Có bệnh nhân thấy mủ chảy ra ở hậu môn.

        Thì 2: xác định  lỗ nguyên phát          .

        - Dùng dụng cụ banh rộng hậu môn: quan sát vùng niêm mạc phồng, căng căng. Ấn vào vùng phồng thấy mủ chảy ở hốc hậu môn, đây chính là vị trí lỗ nguyên phát. Một số trường hợp thấy lỗ thứ phát ở trên đường lược, trên cao thành trực tràng (lỗ thứ phát chính là  lỗ ngoài mà chúng ta quen gọi)

       

        Thì 3: rạch ổ áp xe.

        - Đường rạch từ hốc hậu môn chảy mủ dọc theo thành trực tràng tới đỉnh ổ áp xe theo bình diện giải phẫu: niêm mạc, dưới niêm mạc, lớp cơ rồi tới ổ mủ.          

        - Lưu ý: rạch niêm mạc đủ rộng để tháo mủ và không làm tổn thương thủng thành trực tràng. Nếu chảy máu từ lớp dưới niêm mạc có thể khâu cầm máu theo chiều dọc thành trực tràng. Nếu đốt điện phải lưu ý bỏng sâu hoại tử thành trực tràng về sau.

        Thì 4: làm sạch ổ áp xe.

        Rửa ổ áp xe nhiều lần nước muối sinh lý, hoặc nước ôxy già, cầm máu kỹ.

        Thì 5: kiểm tra lần cuối.

         Để ngỏ hoàn toàn, không phải khâu niêm mạc trực tràng và không nên xử lý tổn thương phối hợp nếu có (như cắt da thừa, búi trĩ xa...) khi mổ áp xe cạnh hậu môn.

3.2. Rò xuyên cơ thắt phần thấp

        Thì 1: thăm rò, mô tả thương tổn.

        - Xác định: số lượng lỗ ngoài,  vị trí lỗ rò ngoài (vị trí từng lỗ nếu có nhiều lỗ),  khoảng cách so với rìa hậu môn của từng lỗ.

        - Tình trạng da cạnh hậu môn: màu sắc, nếp nhăn, ổ áp xe kèm...

        - Tình trạng cơ thắt hậu môn.

        - Tình trạng niêm mạc ống hậu môn trực tràng, bệnh phối hợp: polype, nứt kẽ, trĩ...

        - Tình trạng các hốc hậu môn: viêm đỏ, có mủ chảy ?

        Thì 2: xác định  lỗ nguyên phát (hay quen gọi là lỗ trong).

        - Bộc lộ rõ các hốc hậu môn, lau sạch các hốc hậu môn vì lỗ nguyên phát bao giờ cũng ở hốc hậu môn.

       

        - Các biện pháp tìm lỗ nguyên phát ở hốc hậu môn

           . Định luật Goodsall.

           . Bơm hơi (rất ít khi dùng xanh methylen) từ lỗ ngoài, thấy hơi xì ra ở hốc hậu môn.

           . Dùng que thăm dò nhẹ nhàng từ lỗ ngoài vào, hướng theo định luật Goodsall. Thì này rất thận trọng khi có áp xe phối hợp, dễ làm thủng trực tràng gây rò ngoài cơ thắt (là loại rò do phẫu thuật viên gây nên).

        Thì 3: xác định loại rò. Liên quan đường rò với hệ thống cơ thắt.

        - Loại 1: áp xe hoặc rò liên cơ thắt.

    - Loại 2: xuyên cơ thắt: loại 2a (xuyên có thắt phần thấp); loại 2b (xuyên cơ thắt phần trung gian); loại 2c (xuyên cơ thắt cao).

    - Loại 3: trên cơ thắt.

        - Loại 4: ngoài cơ thắt.

        Nếu rò loại 1, rò  liên cơ thắt ở phần sát da rìa hậu môn chỉ cần mở rò tới hốc hậu môn có lỗ trong. Nếu rò liên cơ thắt lan lên trên cao thành trực tràng: thực hiện như đã nêu trên.

        Nếu rò loại 2a và 2 b, thực hiện theo thì tiếp theo.

        Nếu rò loại 2c, loại 3, loại 4, thực hiện theo các thì sẽ mô tả trong phần phẫu thuât rò xuyên cơ thắt cao, rò trên cơ thắt và rò ngoài cơ thắt.

        Thì 4: lấy bỏ đường rò, mở ngỏ.

        - Dùng que thăm dò từ lỗ trong đã xác định thông với lỗ ngoài. Trong trường hợp khó do ống hậu môn hẹp và que thăm dò khó uốn cong thì có thể thăm dò từ lỗ ngoài vào theo hướng lỗ trong đã xác định nhưng phải nhẹ nhàng tránh gây tổn thương khác.

        - Lấy bỏ toàn bộ đường rò từ da vào đến bờ ngoài cơ thắt ngoài.

        - Cắt cơ thắt từ lỗ trong ra lỗ ngoài (trên que thăm dò), mở ngỏ toàn bộ đường rò,  biến đường rò thành một bộ phận của ống hậu môn. Như vậy, bệnh nhân đã có một ống hậu môn mới.

        - Cầm máu kỹ hai đầu cơ thắt ngoài đã cắt. Có thể cầm máu bằng dao điện hoặc khâu cầm máu bằng Vicryl 3.0, các mũi chữ X, chữ U.

        Thì 5: kiểm tra lần cuối. Để ngỏ hoàn toàn, không được khâu da dù có rạch rộng.

3.3. Rò xuyên cơ thắt cao và rò trên cơ thắt

        Thì 1, Thì 2: như phần phẫu thuật rò xuyên cơ thắt phần thấp.       

        Thì 3: xác định loại rò. Liên quan đường rò với hệ thống cơ thắt: loại 2c (xuyên cơ thắt cao) hoặc loại 3(trên cơ thắt).

        Thì 4: lấy bỏ đường rò, mở ngỏ.

        - Bước 1, rất khó có thể dùng que thăm dò từ lỗ trong đã xác định thông với lỗ ngoài do ống hậu môn hẹp và đường rò gấp khúc. Nên thăm dò từ lỗ ngoài vào theo hướng lỗ trong đã xác định nhưng phải nhẹ nhàng tránh gây tổn thương khác.

        - Bước 2, lấy bỏ toàn bộ đường rò từ da vào đến bờ ngoài cơ thắt ngoài. Lấy bỏ da và niêm mạc trên que thăm dò đến bờ dưới cơ thắt ngoài. Cắt cơ thắt trong đến lỗ nguyên phát.

        - Bước 3, đặt chỉ chờ. Dùng sợi chỉ không tiêu (Prolene số 0 hoặc Perlon...) để làm chỉ chờ. Sau khi liền vết mổ (thường sau 8 tuần) bệnh nhân có thể được tiến hành mổ thì 2: mở ngỏ đường rò bằng cách cắt cơ thắt trên sợi chỉ chờ (tránh ỉa không tự chủ vì cơ thắt ngoài đã được đính vào sẹo cũ).

        Hoặc có thể dùng sợi dây chun chuyên dụng, hàng ngày thắt dần để cắt cơ thắt từ từ ( trong vòng 7 đến 10 ngày).

        Thì 5: Kiểm tra, cầm máu và để ngỏ hoàn toàn. Không được khâu da dù có rạch rộng.

3.4. Rò ngoài cơ thắt

        Thì 1, Thì 2: như phần phẫu thuật rò xuyên cơ thắt phần thấp.

        Thì 3: xác định loại rò. Liên quan đường rò với hệ thống cơ thắt: rò ngoài cơ thắt (loại 4).

        Thì 4: lấy bỏ đường rò, mở ngỏ, khâu kín thành trực tràng.

        Thì 5: làm hậu môn nhân tạo bảo vệ.

        - Hậu môn nhân tạo hoàn toàn ở đại tràng sigma  (phân và hơi không qua đường hậu môn tự nhiên) sau khi liền sẹo, hết rò sẽ đóng hậu môn nhân tạo lập lại lưu thông tiêu hóa. 

        - Lưu ý : đây là loại rò do phẫu thuật viên gây nên. Loại rò này có đặc điểm đã mổ rất nhiều lần nhưng không khỏi, lỗ ngoài xa rìa hậu môn, xì hơi và phân từng đợt... vì vậy, nếu bệnh nhân mổ nhiều lần vẫn tái phát hoặc  xác định rò ngoài cơ thắt nên chuyển  bệnh nhân lên  tuyến trung ương, nơi có phẫu thuật viên chuyên khoa.

3.5. Các loại rò đặc biệt khác

        - Rò kép: có thể làm từng rò riêng biệt. Các đợt mổ cách nhau ít nhất là 8 tuần. Trong trường hợp phẫu thuật viên có nhiều kinh nghiệm, cả 2 đường rò xuyên cơ thắt phần thấp có thể tiến hành mổ 1 lần giải quyết cả 2 đường rò. Trong trường hợp, một đường rò xuyên cơ thắt thấp, một đường rò xuyên cơ thắt cao có thể tiến hành lấy bỏ đường rò và mở ngỏ đối với đường rò thấp và đặt chỉ chờ đối với đường rò cao.

        - Rò móng ngựa: nên làm 2 thì hoặc 3 thì. Thì 1: làm thông thương 2 hố ngồi trực tràng qua đường hậu cụt. Thì 2 (sau thì 1 ít nhất 8 tuần)  lấy bỏ đường rò, cắt cơ thắt mở ngỏ ngay nếu rò xuyên cơ thắt thấp. Nếu rò xuyên cơ thắt cao sẽ đặt chỉ chờ để làm thì 3. Thì 3 (sau thì 2 ít nhất 8 tuần) cắt cơ thắt trên sợi chỉ chờ đã đặt ở thì 2.

        Phẫu thuật viên có kinh nghiệm có thể mổ 1 thì nếu rò xuyên cơ thắt thấp.

        - Rò gây nên nhiễm trùng hoại tử lan rộng tổ chức dưới da tầng sinh môn (Fournier): cần tiến hành mổ cấp cứu vì bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng huyết. Cần rạch rộng tháo mủ mở ngỏ và giải quyết rò ở thì tiếp theo.

        - Rò phức tạp, rò nhiều ngóc ngách: hình thái rò phức tạp là loại rò phối hợp các thể rò trên. Đường rò, ổ áp xe ở vị trí khác nhau: liên cơ thắt lan lên cao trực tràng lan tỏa, ổ áp xe khoang chậu trực tràng kết hợp áp xe hố ngồi 2 bên...

        Những trường hợp rò phức tạp nên chuyển bệnh nhân tới tuyến trung ương.

 

 THEO DÕI VÀ HƯỚNG DẪN BỆNH NHÂN CHĂM SÓC SAU MỔ

     1. Kháng sinh điều trị: tiếp tục sử dụng kháng sinh 3-5 ngày sau mổ, đường uống hoặc không cần kháng sinh.

     2. Sau mổ có thể ăn nhẹ ngay và đi đại tiện bình thường.

     3. Thay băng hàng ngày, cho bệnh nhân ngâm hậu môn vào nước muối sinh lý ngày 2 đến 3 lần và sau mỗi lần đi đại tiện.

     4. Có thể có biến chứng chảy máu, bí đái sau mổ. Nếu chảy nhiều, máu đỏ tươi phải mổ lại cầm máu. Bí đái có thể phải thông đái.

     5. Sẹo liền thường sau 8 tuần.

 

KẾT LUẬN

      Rò hậu môn là bệnh lý hay gặp ở vùng hậu môn trực tràng. Phẫu thuật là phương pháp tốt nhất để điều trị bệnh lý này. Hai vấn đề cơ bản nhất trong điều trị rò hậu môn là tránh tái phát và đại tiện không tự chủ. Để tránh tái phát, phẫu thuật viên cần giải quyết lỗ nguyên phát và mở ngỏ. Để tránh đi đại tiện không tự chủ cần xác định đúng liên quan của đường rò với hệ thống cơ thắt, từ đó xác định mổ 1 thì hay nhiều thì.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trịnh Hồng Sơn (1988), Góp phần nghiên cứu điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật, Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện, Đại học Y Hà Nội, Hà nội.

2.     Trịnh Hồng Sơn (1990), "Giải quyết lỗ nguyên phát và chọn đường rạch trong điều trị phẫu thuật rò hậu môn",Hội nghị sáng tạo KHKT của tuổi trẻ các trường đại học Y Dược toàn quốc lần thứ V, Bắc Thái.

3.     Trịnh Hồng Sơn (1995), "Góp phần nghiên cứu điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật", Luận văn thạc sĩ khoa học Y dược, Hà Nội.

4.     Trịnh Hồng Sơn (2006), "Một số hình thái lâm sàng của rò hậu môn",Y học thực hành, 9 (553), tr. 2-6.

5.     Trịnh Hồng Sơn, Nguyễn Xuân Hùng, Đỗ Đức Vân (1996), "Thái độ xử lý rò kép trong bệnh lý rò hậu môn",Y học thực hành, 3, tr. 3-5.

6.     Trịnh Hồng Sơn, Nguyễn Xuân Hùng, Đỗ Đức Vân (1999), "Chẩn đoán và điều trị rò hậu môn hình móng ngựa",Y học thực hành, 2, tr. 22-26.

7.     Trịnh Hồng Sơn, Bùi Trung Nghĩa, Nguyễn Quốc Hùng, Phạm Tiến Biên, Đinh Ngọc Dũng, Vũ Đức Mạnh, Nguyễn Hưng Đạo, Đỗ Văn Giang (2012), "Nghiên cứu tình hình chẩn đoán và điều trị rò hậu môn tại các tỉnh biên giới và miền núi phía bắc trong 6 tháng đầu năm 2009",Y học thực hành, 1 (804), tr. 93-96.

8.     Trịnh Hồng Sơn, Lê Nguyên Ngọc, Đỗ Đức Vân (2003), "Chẩn đoán và điều trị áp xe hậu môn tại bệnh viện Việt Đức giai đoạn 1/1999- 6/2003",Y học thực hành, 11, tr. 18-21.

9.     Eisenhammer S. (1978), "The final evaluation and classification of surgical treatment of the primary anorectal cryptoglandular intermuscular (intersphincteric) fistulous abscess and fistular",Dis. Col. Rect, 21, p. 237- 254.

10.   Goodsall D. H., Miles W. E.), "Diseases of the anus and rectum", Longmans, Green and Co., p. 121.

11.   Gunawardhana P. A., Deen K. I. (2001), "Comparison of hydrogen peroxide instillation with Goodsall's rule for fistula-in-ano",Aust N Z J Surg, 71 (8), p. 472-474.

12.   Parks A. G., Gordon P. H., Hardcastle J. D. (1976), "A classification of fistula in ano",Br J Surg, 63, p. 1-12.

 

 

Bình luận

  • Đăng bởi: Urgeple lúc
    cheap cialis no prescription
  • Đăng bởi: Urgeple lúc
    buy cialis professional
  • Đăng bởi: Urgeple lúc
    cheap cialis

Bài viết mới

Hỗ Trợ Trực Tuyến

BsCkII. Nguyễn Văn Thưởng

yahoo skype

Điện thoại:0383949569

Hãy điện thoại hoặc nhắn tin cho chúng tôi để được tư vấn về bệnh. Bất cứ khi nào bạn cần, hỗ trợ 24/7, 7 ngày trong tuần

Liên Kết Trang

Facebook chat