Nứt Kẽ Hậu Môn

NỨT KẼ HẬU MÔN

 

Bs CkII Nguyễn Văn Thưởng – Khoa Ngoại – Hậu môn trực tràng Bệnh viện đa khoa Tràng An Hà Nội

 

MỞ ĐẦU

Nứt kẽ hậu môn là bệnh lý không phải ít gặp ở vùng hậu môn, một vùng rất nhạy cảm trên cơ thể vì tập trung nhiều đầu mút thần kinh. Cùng với bệnh trĩ tắc mạch, áp xe cạnh hậu môn,  nứt kẽ hậu môn thể cấp tính thuộc bệnh lý cần giải quyết cấp cứu vì bệnh nhân rất đau.

Y văn ghi nhận một bệnh nhân nữ 18 tuổi có những biểu hiện bệnh mà bác sĩ tưởng nhầm bị “tâm thần”, đến khi phát hiện và chữa khỏi nứt kẽ hậu môn thì bệnh nhân hết bị “tâm thần”.

Trong thực tế, tồn tại hai hoàn cảnh đáng buồn: một là  bệnh nhân bị đau vùng hậu môn không dám đi khám, chữa bệnh, âm thầm chịu đựng sự đau đớn, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần, sinh hoạt và làm việc; hai là bác sĩ khám bệnh lại không chẩn đoán ra hoặc biết bệnh không rõ ràng, dẫn tới điều trị không hiệu quả.

Trong khi đó, nứt kẽ hậu môn hoàn toàn chẩn đoán bằng lâm sàng, không cần bất cứ một phương tiện, máy móc, chụp chiếu hay xét nghiệm nào. Việc điều trị phẫu thuật cũng không phức tạp, cầu kỳ, thời gian phẫu thuật khoảng 15 phút (thường gọi là phẫu thuật cắt cơ thắt, tạo hình hậu môn), bệnh nhân có thể ra viện sau 24 giờ, hết đau và dễ chịu ngay sau mổ. 

 

Nguyên nhân cơ chế bệnh sinh

Cho tới nay, nguyên nhân nào phát sinh bệnh nứt kẽ hậu môn chưa được biết rõ.

Một vài yếu tố thuận lợi được nêu lên như bệnh nhân táo bón, khi rặn ỉa gây vết rạn nứt, gây đau, phản xạ làm co cơ thắt và tạo nên nứt kẽ hậu môn. Hoặc ở bệnh nhân sau đẻ, bệnh nhân có rối loạn tiêu hoá, ỉa chảy...

Về cơ chế bệnh sinh: vòng xoắn bệnh lý được khởi phát từ 1 trong 3 triệu chứng. Vết nứt ở hậu môn làm bệnh nhân đau, khi đau phản xạ làm cơ thắt co bóp chặt thường xuyên, cơ thắt co bóp chặt thường xuyên làm vùng ống hậu môn 6 giờ thiếu máu, thiếu máu vùng ống hậu môn 6 giờ gây loét thường được gọi là vết nứt, vết nứt làm bệnh nhân đau....cứ như vậy gây vòng xoắn bệnh lý.

Hiểu được cơ chế trên giúp cho chúng ta nắm được nguyên lý của các phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn.

 

2. Triệu chứng và chẩn đoán nứt kẽ hậu môn

          Bệnh thường gặp ở nữ giới nhiều hơn nam giới và người trẻ tuổi.

          Đau vùng hậu môn là triệu chứng nổi bật. Cơn đau điển hình có tính chất cấp tính, đột ngột làm bệnh nhân rất lo lắng. Đau thường xuất hiện khi đi ngoài, có những bệnh nhân đau lặng người trong nhà xí, mỗi lần đi ngoài là một nỗi lo sợ. Sau khi đi ngoài cơn đau có thể còn kéo dài hàng giờ.

          Kèm theo đau có thể thấy phân dính máu tươi hoặc máu tươi nhỏ giọt  sau khi phân ra, hoặc máu tươi thấm vào giấy vệ sinh.

          Cơn đau dữ dội vùng hậu môn với tính chất nêu trên là lý do bệnh nhân tới khám bệnh.

          Những bệnh nhân chịu đựng đau tốt, không muốn đi khám bệnh hoặc đi khám bác sĩ không chẩn đóan ra, cho đơn điều trị thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc thuốc chữa trĩ... bệnh nhân có thể giảm cơn đau và bệnh chuyển thành mạn tính. Tính chất mạn tính ở đây có thể hiểu là bản thân bệnh nhân chịu đựng được cơn đau vùng hậu môn với thời gian kéo dài. Sự chịu đựng cơn đau âm thầm gây bệnh nhân khó chịu, lo lắng, cáu gắt, chất lượng cuộc sống sẽ giảm.

          Vì vậy, trước một bệnh cảnh đau vùng hậu môn, hãy tới khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, bác sĩ chuyên khoa mổ vùng hậu môn trực tràng.

          Chẩn đoán bệnh nứt kẽ hậu môn dựa vào 3 dấu hiệu chính: đau hậu môn, cơ thắt hậu môn co bóp chặt và vết nứt ở ống hậu môn.

          - Đau hậu môn: bác sĩ khám có thể phân biệt với bệnh trĩ tắc mạch, áp xe cạnh hậu môn.

          - Dấu hiệu cơ thắt hậu môn co bóp chặt cũng dễ dàng phát hiện vì khi thăm hậu môn, bác sĩ không thể đưa ngón tay vào ống hậu môn như thăm trực tràng thông thường do cơ thắt hậu môn luôn co chặt và bệnh nhân đau không chịu được. 

- Vết nứt ở ống hậu môn. Thăm khám nhẹ nhàng (bằng cách banh hậu môn với 2 ngón tay cái của người thầy thuốc) sẽ thấy một vết loét hình vợt  thường ở vị trí 6 giờ (bệnh nhân nằm ngửa, vị trí được đánh theo chiều kim đồng hồ, vị trí 6 giờ cùng phía xương cùng cụt) từ rìa hậu môn tới đường lược dài khoảng hơn 1 cm, chiều sâu khoảng độ 2 đến 3 mm, có thể nhìn thấy các thớ cơ trơn hậu môn ngay dưới đáy vết nứt. Đa số bệnh nhân có cột báo hiệu: là một nếp da gồ lên trước vết nứt.

Chẩn đoán nứt kẽ hậu môn nhìn chung không cần bất cứ một phương tiện, dụng cụ y học nào.

Một số trường hợp nứt kẽ có kèm theo rò hậu môn và trĩ.

Tóm lại, khi có hiện tượng đau ở vùng hậu môn, các thầy thuốc chú ý khám loại trừ rất nhiều bệnh lý ở vùng hậu môn, trong đó có 3 bệnh lý hay gặp nhất, cần phải được điều trị sớm, kịp thời là nứt kẽ hậu môn, apxe cạnh hậu môn và trĩ tắc mạch.

 

 

 Điều trị nứt kẽ hậu môn

Có nhiều phương pháp điều trị nứt kẽ hậu môn, phương pháp nào cũng đều dựa trên nguyên tắc là làm cơ thắt nghỉ ngơi (nong hậu môn, cắt bán phần cơ thắt, tiêm thuốc trực tiếp vào cơ tròn hậu môn...), vết nứt được cấp máu tốt và nhanh liền sẹo.

Nói chung bệnh nhân có nứt kẽ hậu môn nên tới cơ sở y tế có gây tê, gây mê để chữa bệnh.

Những bệnh nhân có biểu hiện đau cấp tính thường được điều trị cấp cứu cũng như bệnh lý apxe cạnh hậu môn và trĩ tắc mạch.

- Phương pháp nong hậu môn bằng tay và dụng cụ: tốt nhất bệnh nhân được gây mê nội khí quản, nhưng cũng có thể gây tê tại chỗ, gây tê tuỷ sống hoặc gây mê tĩnh mạch. Phương pháp này được chỉ định áp dụng đối với thể cấp tính, vết loét mới và nông, không phối hợp với bệnh trĩ và rò hậu môn. Một số tác giả không còn sử dụng phương pháp này với lý do không triệt để, dễ tái phát và  nong với tính chất “mù” có thể gây tổn hại tới cơ thắt. Trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay, phương pháp này có thể thực hiện bởi mọi phẫu thuật viên ở các tuyến cơ sở. Tuy nhiên khi thực hiện phải lưu ý tới phản xạ hậu môn - tim và làm tổn thương cơ thắt quá mức trong khi nong.

- Phương pháp cắt cơ thắt phía bên: các tác giả nước ngoài hay áp dụng phương pháp này. Nhược điểm của phương pháp này là không lấy đi vết nứt ở những trường hợp vết nứt mãn tính xơ chai.

- Phương pháp lấy bỏ vết nứt kẽ, cắt bán phần cơ thắt phía sau và tạo hình hậu môn: đây là phương pháp được áp dụng tại các bệnh viện có chuyên khoa Ngoại – hậu môn trực tràng và cho kết quả rất tốt. Phương pháp này có lợi điểm là có thể kết hợp điều trị đồng thời nếu có bệnh trĩ phối hợp và rò đơn giản vùng gần vị trí nứt kẽ. Bệnh nhân có thể ra viện sau 24 giờ. Thường không có tái phát, ít để lại  di chứng như rối loạn chức năng cơ tròn hậu môn. Bệnh nhân hết đau, trở lại sinh hoạt và làm việc bình thường. 

- Phương pháp tiêm thuốc vào cơ tròn hậu môn

Gần đây, một số tác giả Châu Âu có gây tê tại chỗ và tiêm một loại thuốc có tên Botulinum toxin (làm giãn cơ trơn) vào cơ tròn trong để điều trị nứt kẽ hậu môn. Kết quả cho thấy tiêm Botulinum toxin cho tỉ lệ liền sẹo thấp hơn so với cắt cơ tròn trong. Tuy nhiên lợi điểm của phương pháp này là: ít gây rối loạn chức năng cơ tròn, ít biến chứng, thời gian nằm viện ngắn (có thể ra viện ngay), dễ áp dụng kỹ thuật, không cần gây tê vùng và không cần gây mê. Các tác giả này cũng khuyên: nên chọn phương pháp tiêm Botulinum toxin ở những bệnh nhân có nguy cơ cao khi tiến hành phẫu thuật hoặc nguy cơ rối loạn cơ tròn trong.

 

 

 

 

 

Theo dõi và chăm sóc sau mổ

Sau mổ nứt kẽ hậu môn đơn giản: bệnh nhân thường dễ chịu vì hết đau.

Có thể bí đái do phản xạ sau mổ vùng tầng sinh môn hoặc sau gây tê tuỷ sống. Điều trị chỉ cần xoa bóp hoặc chườm ấm vùng trên xương mu, dậy đi lại và tiểu tiện ở tư thế bình thường. Rất hiếm khi phải thông tiểu.

Thông thường sẹo liền sau 4 đến 6 tuần sau mổ cắt bán phần cơ thắt- tạo hình hậu môn.

Có thể dùng kháng sinh đường uống sau mổ khoảng 7 ngày (ví dụ Flagyl)

Sau mổ không cần ăn kiêng, đại tiện bình thường, không nên ngại đi ngoài thời kỳ sau mổ.

Sau khi đi ngoài, nên vệ sinh vùng hậu môn bằng cách: ngâm vùng hậu môn vào nước muối sinh lý pha 1 ít thuốc sát khuẩn Betadin. (Nếu không có Betadin chỉ cần ngâm vào nước đun sôi để ấm pha ít muối). Sau đó đặt 1 gạc sạch vào hậu môn là được).

 

Kết luận

Nứt kẽ hậu môn là một trong bệnh lý thường gặp vùng hậu môn. Chẩn đoán bệnh dựa vào tam chứng: đau hậu môn, vết nứt ống hậu môn và cơ thắt hậu môn co bóp chặt. Điều trị phẫu thuật  mang lại kết quả tốt với phương pháp có 3 động tác chủ yếu: lấy vết nứt, cắt bán phần cơ thắt hậu môn.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1.     Trịnh Hồng Sơn (1988), Góp phần nghiên cứu điều trị rò hậu môn bằng phẫu thuật, Luận văn tốt nghiệp bác sĩ nội trú các bệnh viện, Đại học Y Hà Nội, Hà nội.

2.     Trịnh Hồng Sơn (2011). Nứt kẽ hậu môn- Một số kiến thức liên quan đến bệnh lý ngoại khoa tiêu hóa . Nhà xuất bản Y học,  tr 225- 230.

3.     Goodsall D. H., Miles W. E. (1900), "Diseases of the anus and rectum", Longmans, Green and Co., p. 121.

4.     Goligher J.E (1984). “Hemorrhoids or Piles”. Surgery of the anus, rectum and colon, 5th Edi, Balliere tindall, London, 89, 346.

Bình luận

  • Đăng bởi: gWMVxwwAE lúc
    com 20 E2 AD 90 20Buy 20Natural 20Viagra 20 20Posologia 20Viagra 20Adulto buy natural viagra And while some extravagant infrastructure projects in Chinahave turned into white elephants, the odds are on Hengqin s sidelargely due to the support of the Beijing government and theisland s proximity to the millions of tourists who throng to Macau every year cialis

Bài viết mới

Hỗ Trợ Trực Tuyến

BsCkII. Nguyễn Văn Thưởng

yahoo skype

Điện thoại:0383949569

Hãy điện thoại hoặc nhắn tin cho chúng tôi để được tư vấn về bệnh. Bất cứ khi nào bạn cần, hỗ trợ 24/7, 7 ngày trong tuần

Liên Kết Trang

Facebook chat